iklan banner
MASIGNCLEAN101

Từ làm thuê, công ty TQ này đang vươn ra toàn cầu đe dọa LG, Samsung

Từ xưởng gia công cho nhiều hãng Nhật Bản, trong 20 năm, "Foxconn" của ngành điện gia dụng đã trở thành đối thủ lớn của Samsung và LG, theo Nikkei.
"Tôi đã làm ở Gree hơn 20 năm. Trước khi vào công ty, thật sự tôi không biết chiếc điều hòa trông như thế nào", Tạ Đông Ba (Xie Dongbo), Phó chủ tịch Gree chia sẻ trong buổi phỏng vấn tại thành phố biển Châu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc.
Theo ông Tạ, 20 năm trước, mỗi gia đình Trung Quốc chỉ có một chiếc quạt để giải quyết nhu cầu làm mát vào những ngày hè. Mức sống quá thấp khiến nhiều người Trung Quốc thậm chí còn không biết đến hình dạng của điều hòa chứ đừng nói đến nhu cầu. Cũng trong thời gian đó, một công ty điện lạnh lấy tên Gree ra đời.
Tu lam thue, cong ty TQ nay dang vuon ra toan cau de doa LG, Samsung hinh anh 1
Tạ Đông Ba, Phó Chủ tịch Gree thừa nhận 20 năm trước không biết điều hòa trông như thế nào.
Ban đầu, Gree xuất thân là một xưởng gia công điện lạnh cho các công ty Nhật Bản. "Thời điểm đó, nền công nghiệp Trung Quốc phát triển theo hướng gia công cho toàn thế giới bởi nhân lực giá rẻ, đông đảo", ông Tạ chia sẻ.

Tìm cách thoát cái bóng của các ông lớn

Theo ông Tạ, kinh doanh sản phẩm có 4 khâu gồm nghiên cứu công nghệ, thiết kế sản phẩm, lắp ráp và phân phối. Trong thời gian đầu, công ty chỉ thiết kế và lắp ráp sản phẩm. "80% linh kiện điện tử thời Gree mới thành lập được nhập từ các nước lớn trong đó có Nhật", ông Tạ chia sẻ.
Chính điểm yếu này buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải tự chủ về công nghệ. "Rất may, chính phủ Trung Quốc có những chính sách riêng cho các doanh nghiệp đầu tư các thành phần công nghệ cốt lõi. Nhờ yếu tố này khiến các công ty trong nước mạnh tay đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ cho thương hiệu riêng cho mình", ông Tạ chia sẻ.
Tu lam thue, cong ty TQ nay dang vuon ra toan cau de doa LG, Samsung hinh anh 2
Chiếc máy lạnh đầu tiên mang thương hiệu Gree với 80% linh kiện nhập khẩu.
Hiện Gree có 50.000 bằng sáng chế máy lạnh. Trong đó có 20.000 sáng chế do Gree tự mình nghiên cứu. Ngoài sở hữu, Gree còn bán những công nghệ mới cho các thương hiệu máy lạnh lớn trên thế giới. Tại Trung Quốc, Gree đứng thứ 6 về sở hữu trí tuệ.
Như vậy, trong 20 năm, từ một công ty lấy gia công làm đầu và mảng sản xuất máy lạnh nhập khẩu hơn 80% linh kiện, Gree đã tự chủ 90% công nghệ. "Dù thế giới có biến động đến đâu, tự chủ sẽ giúp chúng tôi tiếp tục sẽ phát triển", ông Tạ tuyên bố.
Để làm được điều này, Gree đầu tư hơn 3% doanh thu mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Năm 2018, Gree đạt doanh thu 30 tỷ USD, công ty dùng 1 tỷ USD trong số đó đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Hiện hãng có 14 viện nghiên cứu, 900 phòng thí nghiệm.
Năm 1998, Gree lần đầu mang thương hiệu của mình ra thế giới, tức 7 năm sau khi thành lập. Tuy vậy, trong suốt thời gian đó, Gree vẫn được biết đến là hãng thuần gia công. Gia công nhiều đến mức cứ 3 chiếc máy lạnh bán ra thì có một chiếc từ nhà máy Gree. "Hàng Nhật đâu phải sản xuất tại Nhật. Linh kiện, công nghệ, lắp ráp đều từ Trung Quốc", ông Tạ nói.
Tu lam thue, cong ty TQ nay dang vuon ra toan cau de doa LG, Samsung hinh anh 3
Ngày nay, Gree là hãng máy lạnh lớn nhất thế giới.
Từ một doanh nghiệp sống nhờ việc gia công lắp đặt, Gree đã phát triển thành hãng bán công nghệ, dây chuyền lắp đặt máy lạnh cho nhiều thương hiệu lớn của Nhật. Cũng theo lời ông Tạ, hàng Nhật đã "mất dần" trên lãnh thổ Trung Quốc từ khi Gree chiếm 50% thị phần nội địa và các thương hiệu nội địa phát triển.
Hiện chưa có số liệu chính thức nói lên tương quan giữa Gree và các ông lớn gia dụng như Samsung, LG, Panasonic nhưng theo thống kê mới nhất từ Nikkei, thương hiệu Gree chiếm 21,9% thị phần máy lạnh dân dụng trên toàn cầu vào năm 2017 (số liệu 2018 sẽ được công bố giữa 2019). Bên cạnh đó, Gree cũng đang dẫn đầu trong mảng máy lạnh chuyên dụng cho các công trình.
Năm 2013, Gree chiếm 39% thị phần điều hòa tại Trung Quốc. Tuy vậy, sự phát triển của các tập đoàn như Haier và Midea đã khiến thị phần công ty giảm còn 35% năm 2017. Điều này khiến công ty mở rộng sang mảng điện gia dụng với các sản phẩm như nồi cơm điện, máy giặt, tủ lạnh và các thiết bị khác. Nỗ lực này đã giúp doanh thu Gree tăng 50 tỷ nhân dân tệ vào năm 2018 so với năm 2017.

"2-3 năm nữa người Việt sẽ không còn thích máy lạnh giá rẻ"

"20 năm trước một chiếc quạt là đủ nhưng giờ đây, mỗi gia đình Trung Quốc đòi hỏi ít nhất một chiếc máy lạnh. Loại máy lạnh được chọn còn phải là loại cao cấp, thẩm mỹ", ông Tạ cho biết.
Chính vì vậy, những mặt hàng giá rẻ không còn là thế mạnh của nền công nghiệp Trung Quốc nữa. "Trước đây, Trung Quốc rất nhiều đồ kém chất lượng nhưng mức sống của người dân đã thúc đẩy các doanh nghiệp buộc phải thay đổi", Phó Chủ tịch Gree nói.
Tu lam thue, cong ty TQ nay dang vuon ra toan cau de doa LG, Samsung hinh anh 4
Máy nén - "trái tim" của thiết bị làm lạnh do Gree tự phát triển.
"Tại Việt Nam, với tốc độ phát triển như hiện nay, khoảng 2-3 năm nữa, người dùng sẽ đòi hỏi những sản phẩm đẹp, tốt, công nghệ cao. Đồng thời, người dùng Việt sẽ đủ sức chi trả tương tự người Trung Quốc", ông Tạ nhận định.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm như chính sách khuyến khích tiêu dùng của nhà nước và mức sống của người dân. Phó chủ tịch Gree tin rằng trong 2-3 năm tới, người Việt sẽ có những đòi hỏi cao hơn với các thiết bị điều hòa.
Hãng điều hòa Gree bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam năm 2013. Theo GFK, năm 2018, Gree đứng top 5 các công ty máy lạnh có thị phần lớn tại Việt Nam với 7%.
Share This :

Không có nhận xét nào